Sau khi hoàn thành kì thi đại học, nếu đạt được những kết quả như mong muốn thì sắp tới, bạn sẽ trở thành một tân sinh viên như mơ ước bấy lâu.
Môi trường đại học là một nơi vẫn còn rất nhiều thứ mới mẻ đối với các bạn từ cấp 3 chuyển lên, nên nhiều khi chính những điều không biết đó lại là nguyên nhân khiến các bạn trở nên rụt rè, hoang mang nếu không có sự chuẩn bị từ trước.
"Ma cũ" hóa "ma mới"
Đám em út lớp dưới lúc nào cũng nhìn bạn với một con mắt ngưỡng mộ, thậm chí là nể sợ từ những thành tích trong học tập, cách hành xử chững chạc, phong thái của các anh chị lớp trên… Dĩ nhiên, lời nói của bạn cũng oai và có trọng lượng hơn trong mắt tụi nhỏ.
Ấy vậy mà đùng một cái, lại trở thành đám em út tò te, đến cả cái sơ đồ lớp học còn chưa rõ. Lại còn hàng tá câu hỏi như: “Các anh chị khóa trên có thân thiện không? “Lạnh lùng” hay “dữ dằn” lắm? Các thầy cô có nghiêm khắc quá không? Có khi nào mình làm gì không nên không phải mà bị trù dập không? Có nên tham gia văn nghệ hay phát biểu ý kiến này nọ để rồi bị gán cho cái biệt danh “thích chơi trội” không?"...v…v… Chính từ những suy nghĩ đó nên từ một học sinh cấp 3 tự tin, năng động, hoạt bát,… nhiều bạn bỗng trở nên rụt rè, ít sôi nổi, thậm chí là "cuộn mình" vào một cái "vỏ ốc" vô hình trong môi trường mới.
“Cô bạn lớp tớ hồi trước từng đoạt giải nhất học sinh thanh lịch ở trường cấp 3, cực xinh. Lại hay tham gia rất nhiều chương trình giao lưu và văn nghệ ở trường, ấy vậy mà từ lúc học lớp mới đến giờ, bạn ấy chẳng lúc nào tham gia một hoạt động nào của lớp hay của trường cả, cứ trầm trầm sao í. Hôm trước bảo bạn ấy đại diện cho lớp đăng kí thi cuộc thi teen model do Đoàn trường tổ chức mà bạn í từ chối thẳng, nói ngại lắm. Đến nản.” K, cựu học sinh GĐ tâm sự.
Suy nghĩ của ai cũng thực tế hơn rất nhiều
Điều mà ai cũng sẽ nhận ra ngay, đó chính là suy nghĩ, hành động cũng như cách xây dựng các mối quan hệ… khi bạn đã là một sinh viên đó là bạn sẽ không còn vô tư như trước, cười nói xã giao nhiều hơn, khôn ngoan hơn để không còn có thể thẳng thắn như hồi còn học phổ thông. Hoặc, bạn sẽ có những suy nghĩ kiểu không muốn dính líu đến một ai đó, hay tham gia lam một điều gì đó… cho đỡ phiền phức. Cái lợi và sự an toàn của bản thân được đặt lên cao hơn so với trước đây rất nhiều.
N, cựu học sinh TQT phân trần: “Ok, phải công nhân là sau khi trở thành sinh viên, tớ thực dụng hơn nhiều. Mà có phải mình tớ đâu, các bạn xung quanh tớ cũng vậy, muốn giúp ai đó làm cái gì cũng phải nghĩ coi có ảnh hưởng xấu gì đến mình không hoặc mình có được lợi gì không. Có một điều mà tớ chắc chắn là lên đại học khó kiếm được bạn thân hơn hồi cấp 3 nhiều!”
Nhiều bạn do không thích nghi được với những thay đổi nên trở thành tự kỉ, trầm tư,... đến cả việc học cũng bị giảm sút.
Thầy cô cũng... "thay đổi"
Đại học là môt môi trường tự lập, tức là tự học, tự tìm cách phân bổ giờ giấc cho phù hợp với bản thân và công việc của mình. Không như ở cấp 2, cấp 3, các thầy cô còn quản cả chuyện làm bài tập đủ hay thiếu, điểm số lên xuống thế nào hay thậm chí là quản cả chuyện tình gà bông nữa…, giờ đây thì vô tư đi, miễn bạn không làm ảnh hưởng đến ai là được. Điều đó đồng nghĩ với việc bạn học hành trễ nải thế nào, tụt hậu ra sao cũng sẽ không có ai theo sát từng tí một để nhắc nhở, đốc thúc. Hoặc cũng có nhiều thầy cô, kết thúc tiết dạy của mình là dường như không còn liên quan đến bất cứ chuyện gì với sinh viên nữa. Chính việc đó khiến cho các bạn năm nhất có cảm giác hụt hẫng, cảm giác bị bỏ rơi.
Môi trường học tập nghiêm túc và “phũ phàng” hơn nhiều
Lên đại học có nghĩa là bạn sẽ được tiếp xúc với một môi trường làm việc năng động, chuyên nghiệp hơn và dĩ nhiên là cả thực tế hơn nữa. Bạn sẽ phải tham gia các nhóm học tập, làm việc tập thể trong các bài thuyết trình hay trong công tác đoàn đội nhiều hơn. Bạn phải chủ động trong mọi việc và khi bạn không hoàn thành được công việc được giao, lần sau bạn sẽ bị "out" ngay vì điểm là điểm chung, thành tích cũng là của chung. Nếu bạn có suy nghĩ "ngồi rung đùi, huýt sáo chờ sung rụng" thì điều tệ hại nhất chính là việc bạn sẽ bị cô lập vì chả ai muốn làm việc chung nhóm với bạn cả.
Cách học, cách dạy cũng thay đổi
Cách học tín chỉ, học liền một môn rồi để thi xong là dứt hay cách giảng dạy chỉ chú tâm khái quát bài học và cho ví dụ của các thầy cô ở trường đại học không khỏi khiến cho nhiều teen đang bị quay mòng mòng, vì theo không kịp. Chỉ khi nào học sinh có ý kiến không hiểu chỗ nào, thầy cô mới quay lại giải thích cặn kẽ hơn nên khá là khó khăn cho những bạn có tật ngại ngùng nên không dám hỏi. Nhiều bạn thì do ở trường cấp 3, các thầy cô đốc thúc nên mới học, giờ lên đại học vì không ai quản nên bỏ bê luôn dẫn đến việc cuối kì bạn sẽ phải vắt chân lên cổ để ôn thi, học đuổi mà điểm số cũng chẳng lấy làm khả quan dẫn tới nản chí. Hoặc là sinh viên rồi thì cơ hội kiếm part-time cũng dễ hơn, nhiều bạn vì quá sa đà vào công việc ở ngoài mà không có thời gian lên lớp hoặc học bài đến mức cuối kì bị cấm thi.
“Vạn sự khởi đầu nan”, trên đây chỉ là một số ví dụ nhằm giúp các bạn sinh viên khóa mới bớt bỡ ngỡ phần nào trong môi trường đại học mà bạn đang hướng tới thôi. Khó khăn nào rồi cũng sẽ có thể vượt qua, cố gắng nỗ lực và có niềm tin là mọi chuyện sẽ lại đâu vào đấy! Vì chỉ riêng việc không được trải nghiệm cuộc sống là một sinh viên cũng là một điều đáng tiếc rồi!
[You must be registered and logged in to see this image.]