MẤT GỐC HÓA LÀM SAO BÂY GIỜ?
Trước hết cần nhớ rằng Môn Hoá học có một số đặc điểm chung khác biệt với Toán, Lí như sau:
- Nội dung thi có cả 3 năm học 10, 11 và 12.
- Được chia làm 2 phần chính: Vô cơ và Hữu cơ.
- Nội dung kiến thức trong một bài có thể tổng hợp từ các kiến thức ở nhiều phần khác nhau trong chương trình.
Đặc điểm của mỗi phần là:
- Hữu cơ: chịu khó nhớ và suy luận. Tất cả tính chất của các chất đều được bắt nguồn từ cấu tạo của chất đó. Mỗi loại hợp chất có một phương pháp giải riêng.
- Vô cơ: Biết cách suy luận tính chất từ số oxi hoá và tính axit – bazơ. Học các phương pháp giải bài toán chung (bảo toàn khối lượng, bảo toàn e…) rồi áp dụng cho từng bài.
Nếu bị mất gốc, nên bắt đầu theo các bước:
- Lập kế hoạch ôn tập từng phần: Vô cơ và hữu cơ.
- Phần hữu cơ:
+ Học kĩ các hợp chất Hiđrocacbon, ancol, anđehit, axit, este theo từng phần: Cấu tạo, tính chất, điều chế.
+ Khi học nên suy luận tính chất của các chất có cấu tạo tương tự:
Ví dụ: CH2=CH-CHO ngoài tính chất của anđehit còn có tính chất của anken.
+ Mỗi loại hợp chất có một phương pháp giải toán riêng
Ví dụ: Ancol có các bài toán liên quan đến đốt cháy, tác dụng với kim loại kiềm, tách nước … Mỗi dạng có một pp giải riêng.
- Phần vô cơ:
+ Tính chất của các kim loại, phi kim và các hợp chất quan trọng của nó.
+ Tính chất của các hợp chất vô cơ thường xét theo các loại phản ứng: oxi hoá khử, axit bazơ, trao đổi.
+ Học các phương pháp giải bài toán hoá học vô cơ: Bảo toàn, tăng giảm …
Thực sự thì rất khó để có thể có cách chung cho bài toán “mất gốc”, mỗi em hãy tạo cho mình một điểm mạnh nào đó, dựa vào đó để tự tin học tiếp các phần khác. Đừng học dàn trải nếu em không có nhiều thời gian hoặc không thấy thích nó. Hãy “yêu” hết mình điều mà mình thích.