Ăn xin ở Pháp
Có một chuyện khiến tôi rất chú ý khi đến châu Âu, đó là ăn xin ở đây. Chú ý vì hai nhẽ: thứ nhất, ăn xin là những người cùng khổ, nhìn những người cùng khổ thì biết cái đáy của xã hội này cao thấp thế nào so với cái đáy của xã hội khác. Nhẽ thứ hai là vì tôi muốn biết những ai đi làm ăn xin và họ xin tiền thế nào.
Thời gian tôi ở Pháp là quãng thời gian nhìn thấy nhiều ăn xin nhất. Sang Bỉ ít hơn còn Czech thì lác đác. Có thể lý giải một phần bởi lúc ở Bỉ trời quá lạnh, ăn xin không thể lê la trên đường đầy tuyết, mà chính phủ Bỉ cũng đủ lực để đảm bảo cho 10 triệu rưỡi dân một mái nhà dung thân, còn nước Pháp thì khó hơn với 70 triệu dân và nhiều người nhập cư trái phép.
Sang Czech trời ấm hơn, tôi thấy lác đác ăn xin ngồi dựa tường trên những con phố mua sắm tấp nập ở trung tâm thành phố. Có một người ăn xin theo kiểu rất kỳ cục, đó là dập đầu vái lạy tất cả những ai qua đường. Không biết gã xin được bao nhiêu, nhưng chắc nhiều người nghĩ gã bị tâm thần hơn là gã bị đói.
Ăn xin ở Czech im lặng và không có gì đặc biệt bởi dân ở đây rất homogenious (hiểu nôm na là đồng dạng, tất cả đều thuộc một chủng tộc, nói một thứ tiếng và cùng màu da), không giống ở Pháp, vì vậy quay lại với ăn xin ở Pháp sẽ có nhiều cái đáng chú ý hơn.
Nước Pháp hiện nay ngoài người gốc Pháp còn có người nhập cư chủ yếu từ Thổ Nhĩ Kỳ, Ma Rốc, Ai Cập, người châu Phi cựu thuộc địa (Cameroon, Mali) và người châu Á (Bangladesh, Trung Quốc, Thái Lan).
Ăn xin là người nhập cư thì đi đâu cũng thấy: trong ga tàu, trên đường phố, trên quảng trường... Họ có thể im lặng mà xin (với một cái cốc, nằm trên đường chờ mọi người ném tiền hay cầm mảnh giấy ghi chữ: "Tôi đói, tôi phải nuôi con nhỏ, xin quý ông quý bà cho vài đồng" chìa ra cho người đi trên tàu). Hoặc cũng có người xin ồn ào bằng cách víu áo người qua đường, mắt long lanh, miệng liến thoắng "J'ai faim".
Tôi không thiện cảm với những người ăn xin này lắm vì hai lẽ, thứ nhất họ đều khỏe mạnh, chẳng ai đui què sứt mẻ gì mà không lao động được. Họ lại nói tiếng Pháp rất tốt và có một cộng đồng đồng hương lớn giúp họ tìm việc, vậy nên chẳng có lý gì để họ phải đi ăn xin. Thứ hai, vì cái cách ăn xin của họ. Họ kêu đói nhưng miệng vẫn rất tươi cười, họ không có vẻ gì xấu hổ khi phải đi xin cái ăn.
Người gốc Pháp có đi ăn xin, nhưng thường thuộc nhóm im lặng, và họ quan niệm là "phải cho cái gì đó thì mới được cho lại". Họ có thể hát rong trong đường tàu điện ngầm (nhiều người hát rất hay), hoặc thú vị hơn là ôm một con chó, con mèo rất dễ thương ngồi bên đường. Ai muốn dừng lại vuốt ve mấy con vật đó thì thả vào cái cốc trước mặt vài đồng xu. Cách này cũng đem lại chút ít phúc lợi xã hội là giúp ai đó thấy vui vẻ khi ngắm mấy con thú cưng đấy. Nói chung, họ không tỏ vẻ "tôi đang xin bố thí của các vị". Họ là người Pháp cơ mà, sao có thể hạ mình xin ăn được chứ, họ đang lao động cả đấy. Cũng có người ôm cái biển "tôi đói", nhưng trông họ đói thực sự, rách thực sự, và không có ai tươi cười cả.
Riêng người da đen ăn xin ít hơn nhiều, thường chỉ là những người già. Họ cũng gày, đói và rách. Người trẻ thì tôi chưa thấy bao giờ, bởi một lẽ người da đen bề ngoài trông rất khỏe mạnh. Thật buồn cười nếu một anh chàng to khỏe chìa tay ăn xin. Họ biết vậy nên đều chăm chỉ làm việc. Người da đen ở Pháp thường làm những công việc như quét đường, rửa bát đĩa. Nhiều người nhập cư sớm, được theo học trường Pháp từ khi còn nhỏ thì giờ đã có chỗ đứng trong các công sở, nhưng nói chung số đó không nhiều. Một lý do nữa là vì người châu Phi cựu thuộc địa dễ được nhập quốc tịch Pháp nên sau đó họ sống nhờ trợ cấp xã hội thay vì đi xin ăn. (đẻ càng nhiều con càng tốt để xin trợ cấp chính phủ chẳng hạn).
Người châu Á không thuộc diện dễ nhập cư, càng không có nhiều máu nghệ thuật để đi hát rong, nhưng tuyệt nhiên không bao giờ thấy người châu Á ăn xin. Một phần vì họ có lòng tự tôn rất cao, mặt khác vì họ hiểu có xin cũng không ai cho.
Thi thoảng cũng gặp một vài sắc dân khác trong đội quân ăn xin, ví dụ như sáng qua tôi vừa thấy trong tàu điện ngầm một người phụ nữ Italy, hình như là từ miền nam, tay cầm cái xập xèng (chả biết gọi tên thế nào cho đúng, chỉ biết nó giống đồ chơi trẻ con, hình tròn và cầm trên tay lắc lắc thì phát ra tiếng kêu). Chị ấy bước vào toa tàu, chúc mọi người một ngày tốt lành rồi hát một khúc hát vui nhộn bằng tiếng mẹ đẻ, xong đi chìa tay xin tiền mọi người. Trong đội quân hát rong có cả dân da đỏ cũng có lác đác, chẳng hiểu họ đến từ lúc nào và như thế nào.
Nói chung người ăn xin ở Pháp, dù thuộc sắc dân nào thì cũng giữ phép lịch sự tối thiểu, đó là không chửi bậy khi không được cho tiền, không chèo kéo, và (hi vọng là) không có chuyện cho trẻ con uống thuốc ngủ rồi ôm nó lê lết đường phố, giả vờ đói khát để xin ăn.
Một đất nước giàu có hàng đầu thế giới vẫn có người ăn xin, nhưng trong cách xin ăn cũng thể hiện tầm văn hóa của từng sắc dân.